Streptococcus Suis (liên cầu lợn) – một tác nhân gây bệnh nguy hiểm mới
Trần Xuân Chương
Streptococcus suis (Liên cầu lợn) là một trong những tác nhân gây bệnh ở lợn và một số loài gia súc khác như trâu, bò, ngựa ... Ngoài ra chúng có thể gây bệnh cho người.
Bệnh ở lợn biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Bệnh ở lợn thường xuất hiện tản phát nhưng cũng có khi bùng phát thành dịch.
Trường hợp nhiễm Streptococcus suis đầu tiên ở người được mô tả tại Đan Mạch năm 1968. Sau đó những trường hợp nhiễm S. suis được phát hiện ở nhiều nước khác trên thế giới. Ở nước ta, từ năm 2003 đã có nhiều bệnh nhân viêm màng não và nhiễm trùng huyết do S. suis được phát hiện ở cả ba miền.
1.2005 – 12.2006: phát hiện 72 trường hợp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp HCM [3]
1.2007 – 09.2008 : 68 trường hợp tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương [4]
1.2006 – 12.2010: hơn 140 trường hợp viêm màng não và nhiễm trùng huyết tại Bệnh viện Trung ương Huế
Đặc biệt những trường hợp nhiễm trùng huyết do S. suis thường có bệnh cảnh rất nặng và có tỷ lệ tử vong khá cao.
Streptococcus suis
TÁC NHÂN GÂY BỆNH
S. suis là một loại vi khuẩn Gram (+), có hình trứng hoặc thon dài, đứng riêng lẻ, xếp đôi hoặc xếp thành chuỗi ngắn. S. suis có đến 35 typ huyết thanh (từ typ 1 đến typ 34 và typ ½), trong đó typ 2 là typ thường gây bệnh ở người. S. suis typ 2 có thể sống trong phân ở 00C đến 104 ngày, 8 ngày ở 22-250C. Vi khuẩn có thể sống trong xác lợn chết ở nhiệt độ 400C trong 6 tuần.
Người nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn chết hoặc ăn tiết canh, ăn thịt lợn ốm chưa nấu chín. Hiện nay chưa có bằng chứng khẳng định có sự lây truyền của S. suistừ người sang người.
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Người nhiễm S. suis có thể bị viêm màng não (VMN), nhiễm khuẩn huyết (NKH), viêm nội tâm mạc, viêm khớp ... Trong đó viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết thường gặp nhất.
Thời gian ủ bệnh do S. suis là 1 – 3 ngày, có thể kéo dài đến 10 ngày.
Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, đau mỏi người, đau bụng, tiêu chảy ... [5]. Ở giai đoạn toàn phát, bệnh biểu hiện với 2 thể lâm sàng chính:
Viêm màng não:
Đây là thể bệnh thường gặp nhất. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn thị Hồng Lan và Trần Tịnh Hiền ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới TpHCM năm 2005 – 2006 có đến 96% bệnh nhân nhiễm S. suis bị VMN. Tỷ lệ này ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, theo Trịnh thị Minh Liên, là 57,3% [4]. Bệnh nhân có hội chứng nhiễm trùng và hội chứng màng não nặng nề. Thần kinh: li bì, chậm chạp, có thể hôn mê. Hơn 50% bệnh nhân bị giảm thính lực hoặc điếc. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn thị Hồng Lan và Trần Tịnh Hiền ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới TpHCM có đến 68% bệnh nhân VMN do S. suis bị ù hoặc điếc tai [3]. Ở bệnh viện Trung ương Huế, có hơn 42% bệnh nhân VMN do S. suis bị điếc [2]. Trong khi tỷ lệ biến chứng này ở bệnh nhân VMN mủ do các vi khuẩn khác thấp hơn 10%. [2]
Nhiễm khuẩn huyết:
Bệnh nhân có hội chứng nhiễm trùng nặng với sốt cao, rét run, nhịp tim nhanh. Trường hợp nặng thường có thể xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay, hoại tử đầu chi và rối loạn chức năng đông máu. Bệnh có thể đưa đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong. Trong 2 năm 2009 - 2010, tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn huyết có căn nguyên S. suis ở bệnh viện Trung ương Huế lên đến gần 50%.
Ngoài ra, Yu và cs ở Sichuan, Trung Quốc, ghi nhận 28% bệnh nhân nhiễm S. suis có biểu hiện của Hội chứng sốc độc tố liên cầu (Streptococcal toxic shock syndrome), chỉ có 48% có VMN và 24% bị nhiễm khuẩn huyết [6].
CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán dựa vào dịch tễ, lâm sàng và kết quả cấy máu hoặc dịch não tủy có S. suis(+). Dịch tễ: Có tiếp xúc với lợn mắc bệnh hoặc ăn thịt lợn ốm hoặc chết trong vòng 10 ngày trước khi bệnh khởi phát.
Lâm sàng: Bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng của VMN hoặc NKH. Những trường hợp VMN thường có giảm thính lực hoặc điếc. NKH thường có ban xuất huyết ngoài da.
Kết quả XN dịch não tủy tương tự như những trường hợp VMNM khác: dịch não tủy mờ, áp lực tăng, BC và protein tăng cao. Cấy DNT có S. suis typ 2. [1]
Xuất huyết ngoài da do nhiễm S. suis
ĐIỀU TRỊ
Tất cả những trường hợp nhiễm S. suis phải được coi là những bệnh nhiễm trùng nặng. Điều trị bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị hỗ trợ. Theo dõi sát bệnh nhân để phát hiện sớm các biểu hiện nặng như sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng ... để xử trí kịp thời.
Hầu hết S. suis nuôi cấy được còn nhạy cảm với các kháng sinh thông thường như Penicillin G, Ampicillin, các Cephalosporin thế hệ 3... Do đó, có thể dùng các kháng sinh này để điều trị. Chọn kháng sinh cụ thể theo kết quả kháng sinh đồ. Những trường hợp cấy máu hoặc dịch não tủy âm tính nhưng nghi ngờ cao (dựa vào dịch tễ, lâm sàng ...) thì có thể chọn một trong những kháng sinh kể trên. Thời gian dùng kháng sinh từ 2 - 3 tuần.
Điều trị hỗ trợ bao gồm chống phù não trong VMN, chống viêm bằng corticoid, đảm bảo tuần hoàn, hô hấp, cân bằng nước – điện giải, kiềm toan trong NKH.
PHÒNG BỆNH
Những người thường xuyên tiếp xúc với lợn cần thực hiện những biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng các dung dịch sát khuẩn sau khi giết mổ lợn, sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân (găng tay, khẩu trang, ủng) khi xử lý lợn ốm, lợn chết. Không ăn thịt lợn chưa được nấu chín.
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh do S. suis.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Y tế (2007), “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do liên cầu lợn ở người”, Ban hành kèm Quyết định số: 3065 /QĐ-BYT ngày 16 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Trần Xuân Chương (2011), “Nghiên cứu một số đặc điểm của viêm màng não mủ người lớn 4 năm (2006-2009) ở bệnh viện Trung ương Huế”, Kỷ yếu Hội nghị khoa học Chuyên đề các Bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, tháng 01. 2011.
- Nguyễn thị Hồng Lan, Trần Tịnh Hiền (2007), “Nhiễm liên cầu lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2006”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Thách thức trong chẩn đoán và điều trị Bệnh nhiễm trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Thành phố Hồ Chí Minh, 24.10.2007, tr. 84 – 94.
- Trịnh thị Minh Liên, Nguyễn Nguyên Huyền (2011), “Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn do S. suis tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương”, Kỷ yếu Hội nghị khoa học Chuyên đề các Bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, tháng 01. 2011.
- Trịnh thị Ngọc, Nguyễn Văn Dũng và cs (2011), “Chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng doStreptococcus suis”, Tạp chí Y học lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, số 61, tr. 8 – 12.
- Hongjie Yu et al (2006), “Human Streptococcus suis outbreak, Sichuan, China”,Emerging infectious disease, vol. 12, Nr. 6, tr. 914 – 920.