Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế tham gia các Ban tư vấn chuyên môn kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
Trần Anh Quốc | HueUMP | 12-12-2022
Đổi mới giáo dục, xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, tăng cường hợp tác khoa học quốc tế, tiến đến tự chủ đại học là những nhiệm vụ có tính thiết yếu và thời sự đối với các trường đại học Việt Nam. Với bề dày lịch sử trên 65 năm thành lập, xây dựng và phát triển, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để vươn tầm ra khu vực và thế giới.

           Tiếp theo hoạt động ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trường với Trường Đại học Y khoa Harvard, Hoa Kỳ về các hoạt động hợp tác giữa các bên cho giai đoạn 2022 – 2027, GS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng, Trưởng Bộ môn Phụ Sản và PGS. TS. Nguyễn Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình đã có các chuyến làm việc chuyên môn tại Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Geneva, Thụy Sỹ trong vai trò Chuyên gia tư vấn kỹ thuật.

            Trong các ngày từ 04-08/12, nhận lời mời của Tổ chức Y tế thế giới, GS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy đã tham gia phiên họp năm 2022 của Nhóm phát triển hướng dẫn sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung (WHO Screening and Treatment Recommendations to prevent cervical cancer - Living Systemmatic Review Guideline Development Group). Cho đến nay, các khuyến cáo chuyên môn của Tổ chức y tế thế giới thường có vòng đời từ 5 - 7 năm, trong khi nhiều bằng chứng mới từ các nghiên cứu, đặc biệt là các thử nghiệm lâm sàng, các phương pháp chẩn đoán và xử trí mới được phát triển và đưa vào ứng dụng với tần suất dày hơn. Dựa trên các bằng chứng quan trọng được cập nhật liên tục thông qua phương pháp tổng quan hệ thống tiếp diễn (Living/continual systematic review), nhóm chuyên gia quốc tế do WHO triệu tập đã xác định các nhóm chủ đề ưu tiên cần được giám sát chặt chẽ; thực hiện phân tích, tổng hợp bằng chứng và xác định độ tin cậy, hiệu quả với chu kỳ từ 3-6 tháng, từ đó sẽ đưa ra các khuyến cáo bổ sung, cập nhật có khả năng triển khai trên diện rộng, giúp các quốc gia và các tổ chức quốc tế, nội địa hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phụ nữ nói chung, phòng chống ung thư cổ tử cung nói riêng triển khai một cách phù hợp và hiệu quả các nhiệm vụ, thực hiện thành công lộ trình phòng chống và kiểm soát ung thư cổ tử cung đến năm 2030, hướng đến mục đích loại trừ bệnh lý ung thư cổ tử cung đã được WHO xác định.

          Trong đợt công tác tại Thụy Sĩ, GS. Nguyễn Vũ Quốc Huy đã trao đổi với GS. Patrick Petignat, Trưởng Khoa Sản Phụ khoa và Nhi khoa, Đại học Geneva và thống nhất thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai Bộ môn / Khoa Phụ Sản. Đây là một đơn vị đào tạo/điều trị có nhiều nhóm nghiên cứu và hoạt động hợp tác quốc tế hiệu quả trong nhiều năm qua. Hai bên đã thống nhất về việc tổ chức các hoạt động huấn luyện chung, ban đầu qua phương thức trực tuyến, tiến đến trao đổi cán bộ trong thời gian đến. Hai đơn vị cũng thống nhất cùng triển khai một nghiên cứu ban đầu về khảo sát độ chính xác và độ khả lặp của hình ảnh cổ tử cung, trong khuôn khổ các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. 

              Từ ngày 30/11 đến ngày 5/12 tại Geneva, Thụy Sỹ, PGS. TS. Nguyễn Minh Tâm đã tham gia kỳ họp thường kỳ của nhóm Chuyên gia cố vấn kỹ thuật về Chăm sóc lâm sàng lồng ghép (The Technical Advisory Group on Integrated Clinical Care) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhóm Chuyên gia này có vai trò cố vấn kỹ thuật cho WHO về chăm sóc ban đầu, cấp cứu, phẫu thuật – thủ thuật, và chăm sóc tích cực, chăm sóc giảm nhẹ. Trong kế hoạch 2 năm sắp tới, theo điều khoản hợp đồng tham chiếu với WHO, nhiệm vụ cụ thể của nhóm là xây dựng và hiệu chỉnh các hướng dẫn, tiêu chuẩn, phác đồ và quy trình dựa trên bằng chứng về chăm sóc lâm sàng lồng ghép và cách thức triển khai các nội dung này. Đây là nội dung chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm hỗ trợ các quốc gia nâng cao chất lượng chăm sóc lâm sàng bằng cách cung cấp các hướng dẫn, giao thức và công cụ hỗ trợ ra quyết định lấy con người làm trung tâm hiệu quả để đảm bảo rằng mọi người được chăm sóc đúng nơi, đúng lúc. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá chăm sóc lâm sàng chất lượng cao theo phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng là nền tảng quan trọng giúp đảm bảo chăm sóc y tế toàn dân (Universal Health Coverage – UHC) và cải thiện sức khỏe cộng đồng. PGS. TS. Nguyễn Minh Tâm là thành viên duy nhất đến từ các quốc gia thành viên WHO khu vực Tây Thái Bình Dương (Western Pacific) với dân số gần 1,9 tỷ người tại 37 quốc gia.

              Với mong ước xây dựng Trường Đại học Y - Dược vươn đến tầm cao mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, trở thành một cơ sở giáo dục đại học khối ngành khoa học sức khỏe “Ưu tú trong học thuật – Hiệu quả trong quản trị - Uy tín trong cộng đồng” dựa trên nền tảng giá trị cốt lõi “Tri thức - Nhân ái” và triết lý giáo dục “Tinh hoa - Khai phóng - Phụng sự”, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế luôn khuyến khích cán bộ, sinh viên và học viên tích cực tham gia các hoạt động hợp tác chuyên môn và hỗ trợ cộng đồng cũng như mong muốn đón nhận, hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế.

GS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Trưởng Bộ môn Phụ Sản và GS. Patrick Petignat, Trưởng Khoa Sản Phụ khoa và Nhi khoa, Đại học Geneva, Thụy Sĩ.

PGS. TS. Nguyễn Minh Tâm tham gia phiên họp nhóm Chuyên gia cố vấn kỹ thuật về Chăm sóc lâm sàng lồng ghép (The Technical Advisory Group on Integrated Clinical Care) của Tổ chức Y tế Thế giới.

CÙNG CHUYÊN MỤC

Đón tiếp phái đoàn Tổ chức TranTien Foundation, Hoa Kỳ

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế với Bệnh viện Samsung (Samsung Medical Center), Hàn Quốc.

Đón tiếp và làm việc với Đoàn Đại biểu cấp cao từ Đại học Queensland (UQ), Australia