Hội thảo Thực trạng, nhu cầu, và giải pháp chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh trung học phổ thông
Trần Anh Quốc | Hue-UMP | 17-06-2024
Ngày 17-18/06/2024, Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm phòng chống bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế, và Khoa Tâm lý giáo dục Trường Đại học sư phạm, Đại học Huế tổ chức Hội thảo “Thực trạng, nhu cầu, và giải pháp chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh trung học phổ thông tỉnh Thừa Thiên Huế”.

     Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế; Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm lớp và cán bộ y tế học đường của các Trường Trung học Phổ thông gồm: Trường THPT Hai Bà Trưng, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Trường THPT Tố Hữu, Trường THPT A Lưới và Trường THPT Phú Lộc. Đến dự Hội thảo còn có Lãnh đạo Trung tâm phòng chống bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế (CDC), Lãnh đạo Khoa Sức khoẻ môi trường và y tế học đường của CDC tỉnh, Lãnh đạo Khoa chăm sóc sức khoẻ Tâm trí Bệnh viện TW Huế và Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa thiên Huế.

     Về phía trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của GS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Đặng Công Thuận, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế; TS.BS. Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trưởng Bộ môn Tâm lý Y học – Giáo dục sức khoẻ và Tổ chức Y tế, Chủ nhiệm đề tài; TS.BS Trần Như Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Tâm thần, Trưởng phòng khám sức khoẻ tâm thần và tâm lý trị liệu và các thành viên nhóm nghiên cứu.

GS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo

     Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sức khoẻ tâm thần học sinh là một trong vấn đề nổi bật và cấp bách, cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội mới. Điều này được thể hiện rõ trong các chủ trương, chính sách, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế. Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2025: 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về sức khỏe tâm thần cho học sinh; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường và sức khỏe tâm thần; 50% học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi; 80% trường học ở khu vực thành thị và 60% trường học ở khu vực nông thôn ứng dụng, triển khai hiệu quả phần mềm quản lý, theo dõi và thống kê, đánh giá về sức khỏe học sinh. Quyết định số 2138/QĐ-BGDĐT ngày 03/8/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Kế hoạch giáo dục sức khoẻ tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025 cũng xác định rõ mục đích: “Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần đối với trẻ em, học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học, nhân viên phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học và cha mẹ học sinh; tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây rối loạn sức khỏe tâm thần (bao gồm: tâm thần phân liệt, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, động kinh, trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ, nạn nhân của sự xâm hại, bạo lực gia đình và học đường và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác) trong trường học, góp phần hỗ trợ phòng ngừa, can thiệp, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của trẻ em, học sinh”.  

TS.BS. Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trưởng Bộ môn Tâm lý Y học – Giáo dục sức khoẻ và Tổ chức Y tế, Chủ nhiệm đề tài

     Hội thảo là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp tỉnh Thừa Thiên Huế “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tâm lý, tâm thần cho học sinh trung học phổ thông tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, Mã số  TTH.2021-KC.32 do TS.BS. Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Bộ môn Tâm lý y học và Giáo dục sức khoẻ - Quản lý Y tế, Phó Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế làm chủ nhiệm đề tài. Tại Hội thảo, 04 báo cáo đã được trình bày gồm: 1/ Báo cáo kết quả nghiên cứu về thực trạng và các yếu tố liên quan đến trầm cảm, lo âu, stress và các rối loạn hành vi ở học sinh THPT tỉnh Thừa Thiên Huế; 2/ Chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh theo cách tiếp cận đa ngành, dựa vào cộng đồng; 3/ Mô hình và giải pháp chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh THPT; và 4/ Giải pháp ứng dụng Công nghệ thông tin hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh.

     Hội thảo đã thảo luận và thống nhất cao về tầm quan trọng và tính cấp bách của việc tăng cường chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh; xác định cách tiếp cận hiện đại về chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh là phối hợp đa ngành dựa vào cộng đồng. Hội thảo cũng đã xác định rõ 05 nhóm giải pháp trọng tâm trong chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh hiện nay bao gồm: 1/ Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ cho học sinh và cho phụ huynh về chăm sóc sức khoẻ tâm thần; 2/ Tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho Lãnh đạo trường, giáo viên và cán bộ y tế trường học; 3/ Tăng cường cơ chế phối hợp đa ngành giữa nhà trường, giáo viên, y tế trường học với gia đình và y tế cơ sở; 4/ Ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý, tư vấn và chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh; và 5/ Cải thiện các chế độ chính sách cho giáo viên, y tế trường học. Kết quả của hội thảo là cơ sở cho việc triển khai giai đoạn 2 của đề tài nghiên cứu, đó là thí điểm các giải pháp chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh THPT tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại biểu khách mời tham dự Hội thảo

Hội trường tổ chức Hội thảo

CÙNG CHUYÊN MỤC

Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế khai mạc Festival khoa học Huế năm 2024

Trao học bổng Cựu sinh viên Y khoa Huế và Quỹ Giáo dục Huế hiếu học năm 2024

Hội nghị Phụ Sản miền Trung - Tây Nguyên mở rộng lần thứ XI năm 2024